Kể cho nhau nghe những ký ức về Cải lương

VHO- Bất kỳ ai quan tâm và yêu thích nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là Cải lương; đồng thời, có những câu chuyện, kỷ niệm sâu sắc và mong muốn được chia sẻ, hãy gửi tác phẩm đến chiến dịch Cộng đồng kể chuyện Cải lương, hoạt động do YUME Art Project đồng hành cùng British Council - Hội đồng Anh thực hiện.

Kể cho nhau nghe những ký ức về Cải lương - Anh 1

Một góc sân khấu biểu diễn Đờn ca tài tử ngày xưa

 Chiến dịch mong muốn nâng cao nhận thức, lan tỏa tình yêu, niềm đam mê và đưa Cải lương đến gần hơn với những người trẻ, ngay từ lúc phát động đã đón nhận hiệu ứng tích cực từ cộng đồng yêu âm nhạc dân tộc.

Lan tỏa niềm đam mê Cải lương đến người trẻ

Cộng đồng kể chuyện Cải lương tập trung kêu gọi người trẻ chia sẻ ký ức với bộ môn nghệ thuật Cải lương theo cách riêng của mình, thông qua các phương tiện, nền tảng mạng xã hội. Hình thức của tác phẩm đa dạng từ podcast (phát thanh), video, nhiếp ảnh cho đến đồ họa… Người tham gia có thể vẽ một bức tranh lấy cảm hứng từ vở Cải lương vừa xem, viết một bài thơ kể về những tối thứ 7 sang nhà hàng xóm nghe ké Cải lương khi còn nhỏ, hay làm video phỏng vấn cảm nghĩ của ông bà, cha mẹ mình về bộ môn nghệ thuật này.

Các tác phẩm tham gia sẽ được trưng bày, bình chọn từ ngày 15.10 đến 7.12. Kết quả chiến dịch sẽ được công bố vào 23.12.2021. Có 4 hạng mục giải thưởng, gồm: Đôi mắt người xưa (giải Tư liệu), Gió giao mùa (giải Sáng tạo), Tiếng hò sông Hậu (giải Truyền thông) và Tấm lòng của biển (giải do khán giả bình chọn). Được biết, những ngày qua, các podcast nghe nghệ sĩ kể chuyện Cải lương, bài viết chia sẻ kỷ niệm của người viết với Cải lương do ê kíp của chiến dịch thực hiện, đã bắt đầu được đăng tải trên các nền tảng trực tuyến (YouTube, Spotify, Facebook) như một cách khơi mào cảm xúc cho cộng đồng gửi bài tham gia.

Ngoài các bài dự thi, chiến dịch cũng lần lượt giới thiệu các bài viết về Cải lương của những nhân vật nổi tiếng. Mở đầu cho chuỗi podcast là phần chia sẻ của NSND Bạch Tuyết với chủ đề Cải lương chi bảo - NSND Bạch Tuyết: 60 năm thăng trầm. Tại đây, nữ nghệ sĩ gạo cội đã tâm sự về quá trình từ khi theo nghiệp hát cho đến những vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả mộ điệu, cũng như danh hiệu Cải lương chi bảo mà công chúng yêu mến đã dành cho bà. Số phát sóng thứ 2 là phần góp mặt của TS Lê Hồng Phước, Phó Trưởng khoa Ngữ văn Pháp (Trường ĐH KHXHNV - ĐH Quốc gia TP.HCM) với nhan đề Tiến sĩ Lê Hồng Phước: Cải lương không biên giới. TS Phước là người đam mê Cải lương, ông cũng là nhà lý luận phê bình về Đờn ca tài tử, Cải lương, một đại sứ miệt mài quảng bá bộ môn nghệ thuật này đến với công chúng trong và ngoài nước.

Chia sẻ về chiến dịch, đại diện Dự án cho biết: “Lâu nay, mọi người hay nhắc đến Cải lương thông qua các vở diễn cụ thể hoặc các diễn viên cụ thể hơn là ngồi lại để kể cho nhau nghe những ký ức về Cải lương. Nhiều bạn trẻ cũng không biết ngày xưa ông bà, bố mẹ mình đam mê Cải lương như thế nào… Những câu chuyện về Cải lương trong cộng đồng sẽ là nguồn tư liệu giá trị để chúng ta hiểu hơn về loại hình nghệ thuật truyền thống đang chuyển mình sau mốc 100 năm”.

Được biết, Cộng đồng kể chuyện Cải lương là một trong hai hoạt động của Dự án Cùng cộng đồng kể chuyện Cải lương. Dự án là cơ hội để các bạn trẻ tìm hiểu những giá trị nhân văn và giá trị nghệ thuật của Cải lương, góp phần nuôi dưỡng tình yêu và ý thức bảo vệ những giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Kể cho nhau nghe những ký ức về Cải lương - Anh 2

 NSND Bạch Tuyết chia sẻ với khán giả về 60 năm thăng trầm trong sự nghiệp Cải lương tại chương trình

Người trẻ vẫn đang tìm tòi, khai mới nghệ thuật Cải lương

Đánh giá về chiến dịch này, NSND Bạch Tuyết bày tỏ: “Tôi trân trọng và dành tình cảm đặc biệt cho các bạn trẻ trong những dự án của YUME Art Project... Tiếp xúc và cùng nhau thực hiện, tôi mừng và chợt nhận ra còn một thế hệ tri thức trẻ vẫn đang tìm tòi, khai mới nghệ thuật Cải lương “bác học” của dân tộc. Cứ tiếp nhận những điều “tích cực” của quá khứ, cộng vào tình yêu và cái nhìn mới của thời đại, bổ sung thêm vào để cho Cải lương “update” với đời sống đương đại hơn. “Nghệ thuật vị nhân sinh”, phản ánh, tái hiện cuộc sống, để con người bao dung, nhân hậu, bác ái hơn”.

Theo NSND Bạch Tuyết, việc gì ban đầu cũng lắm thử thách, gian nan, nhưng nếu kiên trì theo đuổi ắt sẽ có ngày thành công. Liên quan đến câu chuyện làm mới Cải lương để phù hợp với hơi thở thời đại, NSND Bạch Tuyết kể lại: “Tôi nhớ về câu chuyện bác Bảy (NSND Viễn Châu), ông bị dư luận “lên án” nặng nề về việc cách tân Cải lương. Ông là người đầu tiên viết bài vọng cổ kèm bolero. Các bạn không thể hình dung ra tình hình lúc đó “nóng” đến mức nào đâu… Có thể mượn tạm một ví dụ để so sánh, nó y hệt cơn sốt chương trình Rap Việt mùa 1”.

Nữ nghệ sĩ cho rằng, cái mới chưa chắc hay nhưng mà phải làm mới trước cái đã. Cuộc sống là một chuỗi hành động “vừa chạy vừa xếp hàng”, thêm vào, bỏ ra liên tục để làm mới mọi thứ. “Tôi luôn nói với các bạn trẻ: Hãy lên đường, mạnh dạn khám phá, tìm tòi. Cuộc sống có nhiều điều thú vị, đặc biệt là nghệ thuật, khi “vào” tay những người trẻ bao giờ cũng có nhiều cái mới để xem, thưởng ngoạn… Qua dự án này, các bạn có cơ sở thu thập dữ liệu đúng và chân thật nhất về đối tượng khán giả chúng ta đang hướng tới, biết Cải lương thật sự cần gì để có thể song hành với mong mỏi của quần chúng khán giả”, NSND Bạch Tuyết chia sẻ.

Cùng ủng hộ ý tưởng và mục đích của chương trình, TS Lê Hồng Phước tâm sự: “Đất nước nào, dân tộc nào cũng lo giữ gìn bản sắc. Giữ để làm gì? Để đừng bị pha trộn với văn hóa những dân tộc khác, để biết đó là dân tộc mình. Các quốc gia như Pháp, Đức hay Hàn, Nhật… là nước hiện đại nhưng họ rất giỏi giữ gìn bản sắc. Tuổi trẻ chúng ta mở lòng với thế giới để phát triển đất nước, đó là câu chuyện đương nhiên nhưng nếu được, thì chúng ta nên dành một phần trách nhiệm cho bản sắc văn hóa dân tộc, cho phần truyền thống cha ông để lại”.

Nhắn nhủ với những người trẻ, thầy giáo Pháp ngữ bày tỏ: “Tôi mong mỏi các bạn trẻ rạch ròi hai việc. Thứ nhất, các bạn đang yêu thích môn giải trí của mình thì các bạn cứ yêu, nhưng việc thứ hai là các bạn phải có trách nhiệm đối với văn hóa dân tộc. Các bạn phải góp tay vào để bảo tồn bản sắc văn hóa, được như vậy, Việt Nam chúng ta mới có thể phát triển được, bởi vì phát triển chính là vừa có mặt hiện đại đồng thời vừa bảo tồn truyền thống, hai yếu tố này cần song hành, không có cái nào lấn át cái nào”.

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc